Bạn muốn sử dụng ChatGPT nhưng lại muốn con AI có khả năng truy cập Internet? Vậy Google Gemini sẽ là giải pháp rất phù hợp cho bạn đấy.
Vậy, Google Gemini là gì, cách viết prompt cho Google Gemini có gì khác với ChatGPT hay không? Trong bài viết này, Lâm Panda tui sẽ hướng dẫn bạn chi tiết về cách sử dụng Google Gemini nhé.
Bài viết này mình cập nhật lại từ bài Google Bard là gì, nên bạn nào tìm Google Bard là gì trên Bing có khi bị chuyển hướng qua bài viết này 🙂
Google Gemini và nền tảng công nghệ
Google Gemini là gì?
Google Gemini là một chatbot trí tuệ nhân tạo do Google phát triển, dựa trên nền tảng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), cụ thể là mô hình Gemini, còn trước đó là sự kết hợp giữa PaLM (Pathway Language Model) và LaMDA (Language Model for Dialogue Applications).
Lần đầu tiên ra mắt vào tháng 2 năm 2023 với tên gọi Bard, đến ngày 1 tháng 2 năm 2024 (ngày sinh của tui) thì họ say bye với mô hình PaLM và chuyển sang mô hình Gemini để hỗ trợ Bard. Nhưng sau đó được đổi tên thành Gemini vào tháng 5 năm 2024 luôn để phù hợp với nền tảng hoặc cho nó đỡ lộn xộn hơn.
Bạn cũng có thể tìm thấy một số cái tên khác của Gemini do người dùng tìm kiếm như: Google Bard, Bard AI, Gemini AI, Google Gemini, Chatbot của Google,…
Nếu bạn là người theo dõi về tụi AI nhiều, bạn sẽ thấy Google chạy đua để ra mắt Gemini trong vòng chưa tới 6 tháng để cạnh tranh với ChatGPT của OpenAI, nên dĩ nhiên họ sẽ có thể có nhiều lỗi hơn một chút xíu.
Ưu điểm nổi bật của Google Gemini
- Một trong những ưu điểm nổi bật nhất của Gemini chính là khả năng truy cập internet. Nếu sử dụng quen ChatGPT, khi chuyển qua Gemini bạn sẽ cảm nhận được luồng không khí từ internet tràn vào câu trả lời của AI 🙂
- Ngoài ra, bạn có thể tải ảnh, file và các loại tài liệu khác lên Gemini mà không cần phải sử dụng phiên bản trả phí.
- Bạn cũng có thể sử dụng micro để nói và viết prompt mà không cần động tay trên phiên bản web, còn ChatGPT thì không có.
- Nếu bạn là người sử dụng Chrome, thường xuyên sử dụng Google Docs, Gmail, nói chung là các sản phẩm của Google, thì Gemini đúng là sinh ra để hỗ trợ các ứng dụng này luôn.
- Khi yêu cầu Gemini soạn mail, nó có thể Tạo email nháp trong Gmail của bạn, bạn soạn các loại tài liệu khác, bạn chỉ cần bấm nút Xuất sang Tài liệu là nó sẽ chạy sang Google Docs của bạn,…
- Điều đặc biệt hơn là bạn còn có thể kiểm tra nội dung câu trả lời của Gemini trích từ đâu, nhấn nút Xác minh câu trả lời và Gemini tự động đi tìm để dò lại câu trả lời chính xác hay chưa.
- Tóm lại là Gemini có rất nhiều ưu điểm so với những AI chatbot khác mà bạn nên thử một lần (ghiền đó).
- Ngoài ra, bạn có thể nhấn nút copy nội dung trực tiếp từ Gemini và dán sang Docs nhưng vẫn giữ nguyên định dạng như câu trả lời mà không bị chuyển thành markdown như ChatGPT.
Khả năng của Google Gemini
Google Gemini được thiết kế để giao tiếp và tạo ra văn bản giống như con người khi trả lời các câu hỏi và yêu cầu đa dạng. Mục đích của Google Gemini là phục vụ như một người cộng tác sáng tạo và hữu ích mà mọi người có thể tương tác bằng ngôn ngữ tự nhiên.
Một số khả năng chính của Google Gemini bao gồm:
- Trả lời các câu hỏi của bạn về thế giới, chẳng hạn như “Thủ đô của Pháp là gì?” hoặc “Động cơ ô tô hoạt động như thế nào?”
- Tạo các định dạng văn bản sáng tạo, chẳng hạn như bài thơ, mã, kịch bản, bản nhạc, email, thư, v.v.
- Dịch các ngôn ngữ, chẳng hạn như dịch tài liệu từ tiếng Anh sang tiếng Tây Ban Nha.
- Viết các loại nội dung sáng tạo khác nhau, chẳng hạn như bài đăng trên blog hoặc truyện ngắn.
- Giúp bạn trong công việc hoặc học tập, chẳng hạn như viết một bài nghiên cứu hoặc giải một bài toán.
- Hay trở thành một người bạn và người đồng hành, chẳng hạn như trò chuyện với bạn về một ngày của bạn hoặc giúp bạn thư giãn.
- Tạo văn bản, dịch ngôn ngữ và viết các loại nội dung sáng tạo khác nhau
- Hỗ trợ người dùng trong các nhiệm vụ khác nhau, chẳng hạn như tạo danh sách hoặc tạo ý tưởng
Và Google Gemini phù hợp với nhiều người dùng khác nhau như: nhà văn, nhà nghiên cứu, sinh viên và chuyên gia, cung cấp một công cụ mạnh mẽ để tăng cường năng suất và sự sáng tạo.
LaMDA, PaLM và Gemini là gì?
Nếu bạn muốn hiểu thêm về cách hoạt động của Gemini, bạn có thể đọc phần về các mô hình ngôn ngữ lớn này. Trong trường hợp bạn không cần hiểu quá chuyên sâu, hãy đọc tiếp phần Google Gemini hoạt động như thế nào ở dưới.
LaMDA là gì?
LaMDA (Language Model for Dialogue Applications) là một mô hình ngôn ngữ lớn do Google Brain phát triển và chuyên về các ứng dụng đối thoại.
Ban đầu, LaMDA được giới thiệu dưới tên gọi khác là Meena vào năm 2020 và sau đó được công bố chính thức trong sự kiện Google I/O 2021. LaMDA được xây dựng dựa trên kiến trúc Transformer, cho phép mô hình này hiểu và tạo ra các đoạn văn bản dài, dự đoán từ tiếp theo trong câu dựa trên ngữ cảnh.
PaLM là gì?
PaLM (Pathways Language Model) là một mô hình ngôn ngữ lớn khác của Google, với quy mô đào tạo với trên 780 tỷ token và 540 tỷ tham số. Công bố lần đầu tiên vào tháng 4 năm 2022 và có thể truy cập thông qua API vào tháng 3 năm 2023.
Google cũng phát triển các phiên bản nhỏ hơn của PaLM với 8 và 62 tỷ tham số để kiểm tra ảnh hưởng của quy mô mô hình. PaLM-E, một phần mở rộng của PaLM, là một mô hình ngôn ngữ-vision tiên tiến nhất có thể được sử dụng cho việc điều khiển robot mà không cần đào tạo lại hoặc tinh chỉnh.
Vào tháng 5 năm 2023, Google công bố PaLM 2 được đào tạo trên 100 ngôn ngữ, 3,6 nghìn tỷ token và 340 tỷ tham số, cải tiến rất rất nhiều so với phiên bản trước đó.
Gemini model là gì?
Mặc dù PaLM mạnh mẽ, nhưng nó vẫn có một số hạn chế nhất định. Vì thế, Google phát triển song song với một mô hình nữa chính là Gemini một mô hình multimodal. Đây là dạng mô hình mạnh mẽ có khả năng xử lý nhiều loại tài liệu khác nhau bao gồm cả hình ảnh, âm thanh, video,…, lần đầu tiên Google công bố vào tháng 5 năm 2023.
Tuy nhiên, vào tháng 5 đó họ vẫn đang phát triển, đến ngày 1 tháng 2 năm 2024 họ mới chính thức thay đổi mô hình nền tảng của Bard từ PaLM 2 sang mô hình Gemini. Đến tháng 5 năm 2024 họ đổi tên Bard thành Gemini luôn.
Nếu bạn chưa tưởng tượng được thì nó giống với mô hình GPT-4o của OpenAI ấy. Tuy Google đi trước, nhưng bị truyền thông dập dữ quá kèm theo đó là cái bóng quá to của ChatGPT nên người ta cứ là ưng ChatGPT và chê Gemini.
Google Gemini hoạt động như thế nào?
Google Gemini hoạt động bằng cách tận dụng xử lý ngôn ngữ tự nhiên và học máy để tạo ra văn bản giống con người phản hồi lại các prompt (lời nhắc) của người dùng. Giao diện của Google Gemini cũng rất đơn giản và trực quan, giúp người dùng dễ dàng sử dụng khi chuyển từ ChatGPT sang hoặc lần đầu dùng thử đều có thể dùng được.
Khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên của Google Gemini
Khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing – NLP) của Google Gemini được hỗ trợ bởi sự kết hợp giữa học máy và các kỹ thuật NLP, cho phép nó tạo ra các câu trả lời chất lượng cao và thực tế cho các câu hỏi của người dùng.
Những khả năng này giúp Google Gemini hiểu và tạo ra văn bản giống con người, mô phỏng cuộc trò chuyện với người dùng.
Một số khả năng NLP chính của Google Gemini bao gồm:
- Hiểu ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Understanding – NLU): Google Gemini có thể hiểu ý nghĩa và ngữ cảnh của các câu hỏi của người dùng, nhờ được đào tạo trên một lượng lớn dữ liệu văn bản. Điều này giúp nó tạo ra các câu trả lời liên quan và có giá trị thông tin.
- Hiểu ngữ cảnh: Google Gemini sử dụng Mô hình Ngôn ngữ của Google cho Ứng dụng Đối thoại (LaMDA) để hiểu rõ hơn các yêu cầu của người dùng và áp dụng ngữ cảnh vào các câu trả lời của nó. Điều này giúp nó duy trì một cuộc trò chuyện nhất quán và phù hợp với ngữ cảnh với người dùng.
- Tạo văn bản: Khả năng NLP của Google Gemini cho phép nó tạo ra nhiều loại nội dung khác nhau, chẳng hạn như tóm tắt, dịch thuật và viết sáng tạo. Điều này khiến nó trở thành một công cụ đa năng cho người dùng tìm kiếm sự hỗ trợ trong các nhiệm vụ viết khác nhau.
- Dịch ngôn ngữ: Google Gemini có thể dịch văn bản giữa nhiều ngôn ngữ, nhờ được đào tạo trên dữ liệu đa ngôn ngữ. Điều này cho phép người dùng giao tiếp với AI bằng ngôn ngữ ưa thích của họ và nhận dịch thuật cho các văn bản khác nhau.
Nhìn chung, khả năng NLP của Google Gemini giúp nó trở thành một chatbot AI mạnh mẽ và linh hoạt, có thể hỗ trợ người dùng trong nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ truy xuất thông tin đến tạo nội dung sáng tạo.
Cách sử dụng Google Gemini
Cách tạo tài khoản và sử dụng Google Gemini
Để hiểu cách hoạt động, chúng ta sẽ cần phải tương tác với Google Gemini, bạn chỉ cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: truy cập vào Google Gemini và đăng nhập tài khoản Google của bạn.
Bước 2: giờ bạn chỉ cần làm quen với giao diện nữa là triển thôi.
Để chat với Gemini, bạn chỉ cần viết nội dung ngắn gọn và yêu cầu làm việc cụ thể là nó sẽ hiểu ý định của bạn và trả lời. Nếu viết prompt quá chi tiết, Gemini nó sẽ… không hiểu hoặc hiểu sai 🙂 Nên viết ngắn gọn bạn nhé.
Giao diện của Gemini cũng rất đơn giản, khung khoanh vàng bên trái là nơi lưu trữ các đoạn chat, tạo đoạn chat mới.
Tìm hiểu về các bổ trợ trong Google Gemini
Khác với ChatGPT, Gemini hỗ trợ nhiều thứ hơn để hỗ trợ bạn tập trung vào prompt ngắn gọn và tăng tốc quá trình sử dụng AI bao gồm các chỗ tui đánh số vàng:
- Viết lệnh của bạn ở đó
- Có thể tải hình ảnh lên để hỏi kèm
- Nếu lười, bạn có thể bấm vào micro và nói thay vì viết tay
- Các yêu cầu cơ bản mọi người hay sử dụng, nó sẽ hiện sau câu hỏi đầu tiên của bạn.
- Bạn có thể tạo link share cho đoạn chat, chuyển qua Tài liệu hoặc tạo email nháp/
- Nhấn vào nút Xác minh nó sẽ lên Google Search để tìm các nội dung về và đối chiếu với câu trả lời của Gemini.
- Bạn có thể Sao chép nội dung của đoạn chat đó.
Mở khóa tính năng đỉnh nhất của Google Gemini
Có thể bạn đã biết hoặc sắp biết: bạn có thể yêu cầu Google Gemini làm nhiều thứ hơn ngay trong giao diện của Gemini như:
- Tìm kiếm, tóm tắt video Youtube
- Tìm khách sạn, vé máy bay
- Tìm địa chỉ trên Google Maps
Tích hợp trực tiếp vào các hoạt động làm việc như:
- Tìm kiếm email. Ví dụ như yêu cầu tóm tắt tất cả email đã nhận được trong tuần qua.
- Tìm tài liệu trong Drive, Google Docs của bạn (cái này chưa làm được 🙂 nhưng sẽ có trong tương lai GẦN).
- …
Tất cả những gì bạn cần làm là: Click vào Cài đặt > Tiện ích > làm theo các hướng dẫn (cứ đồng ý với tiếp tục là được) và cuối cùng bạn chỉ cần nhấn @ trong khung chat để triệu hồi các tính năng trên.
Trước mắt bạn có thể sử dụng tất cả tính năng, ngoài phần Google Workspace vì nó còn đang phát triển để đào tài liệu của bạn.
Cách sử dụng Google Gemini Advanced miễn phí!
Như đã hứa ở đầu bài viết, tại đây Lâm Panda tui sẽ hướng dẫn bạn cách sử dụng Google Gemini Advanced miễn phí, hoàn toàn miễn phí luôn, không cần mua bán gì luôn!
Bạn chỉ cần đăng nhập vào Google AI Studio rồi đồng ý các điều khoản điều kiện của họ, cuối cùng là sử dụng thôi :3
Nếu bạn thấy rối với giao diện trang chủ của Google AI Studio, bạn có thể vào trực tiếp phần App để viết Prompt trong AI Studio là được: https://aistudio.google.com/app/prompts/new_chat
Sau đó, bạn chỉ cần chọn mô hình Gemini 1.5 Flash hoặc Pro rồi sử dụng thoải mái thôi.
À thoải mái trong giới hạn nha 🙂họ không để rõ số lượng là bao nhiêu.
Tuy nhiên, mình chat thử gần 2 tiếng với cả tấng câu hỏi thì nó cũng ko có bảo là đến giới hạn á. Theo mình dự đoán thì chắc khoản 500k token mỗi ngày,… thì chắc là vậy thôi.
Cách viết prompt với Gemini
Các thông tin từ tài liệu chính thức
Khác với ChatGPT, Claude và các mô hình khác, có vẻ Google thiết kế Gemini để hỏi ngắn nhất có thể và AI sẽ trả lời đầy đủ nhất có thể.
Theo tài liệu chính thức của họ, bạn chỉ cần sử dụng 4 yếu tố bao gồm: Vai trò, Nhiệm vụ, Bối cảnh và Định dạng.
Tốt nhất bạn nên rút gọn câu hỏi và yêu cầu về vai trò, cung cấp các yếu tố bối cảnh tốt nhất là dưới 21 từ, cái này cũng là theo tài liệu của họ luôn.
Vì sao bạn nên làm theo? Bởi vì mình đã thử rồi, mình bỏ nó một thời gian để chuyển qua dùng Claude và ChatGPT nên khi quay lại, mình mang theo một khung đồ sộ yêu cầu vai trò bối cảnh,… Và Gemini trả lời như hạch luôn 🙂
Nên mình phải mò lại bản tài liệu họ mới xuất bản hướng dẫn để sử dụng Gemini sao cho hiệu quả và chính xác để học cách prompt lại với model Gemini mới này.
Link tài liệu: Gemini for Google Workspace Prompt Guide bấm vô đây thì phải điền form tùm lum. Dễ hơn thì bạn xem PDF Prompt Guide rồi download ở đây nha.
3 quy tắc vàng trong làng viết prompt cho Gemini
Sau ít lâu thử nghiệm, mình rút ra các yếu tố sau để đơn giản hoá vấn đề prompt sao cho hiệu quả với Gemini. Về cơ bản, bạn chỉ cần đảm bảo 3 yếu tố trong “quy tắc vàng”: đơn giản, yêu cầu và bạn biết mục đích hỏi của mình là gì thì mọi thứ sẽ ổn hết.
Còn nếu bạn vẫn chưa rõ, thì dưới đây là từng bước để bạn viết prompt cho gemini nha, thứ tự dựa vào đánh giá về mức độ quan trọng của các yếu tố theo cách của mình sử dụng và chia sẻ lại với bạn:
- Bắt đầu đơn giản: Bắt đầu với một prompt đơn giản, rõ ràng về mong muốn hay yêu cầu của bạn, ví dụ như: táo là gì, ChatGPT và Gemini cái nào tốt hơn 🙂
- Sử dụng động từ trong yêu cầu: Bắt đầu prompt bằng các động từ hành động như “Viết,” “Tạo,” hoặc “Tóm tắt” thay vì các cụm từ như “Bạn có thể”.
- Giao vai trò cụ thể: giao vai trò để Gemini xác định được bối cảnh cơ bản bạn muốn gì như: chuyên gia marketing, lập trình viên Python, người quản lý dự án,…
- Thêm ngữ cảnh: Cung cấp ngữ cảnh cụ thể và liên quan đến nhiệm vụ bạn muốn Gemini thực hiện, giúp nó dễ dàng hiểu yêu cầu của bạn.
- Thêm yêu cầu định dạng đầu ra: Hãy thêm các yêu cầu khác về định dạng như tông giọng vui tươi, buồn, nóng giận hoặc thêm các yêu cầu về định dạng xuất ra như: danh sách, tạo bảng,…
- Cung cấp ví dụ: Đưa ra các ví dụ về loại nội dung bạn đang tìm kiếm, điều này sẽ giúp Gemini tạo ra kết quả liên quan và chính xác hơn, giống ChatGPT nhưng phải ngắn.
Tiếp theo, nếu bạn làm xong 3 quy tắc vàng, bạn có thể thêm một vai trò cụ thể ở đầu đoạn prompt, để Gemini hiểu thêm về prompt của bạn.
Về quy tắc số 4, bạn có thể thêm bối cảnh cụ thể ngắn gọn. Nhưng trong thực tế mình sử dụng, ở phần thêm bối cảnh của mình, nó sẽ tương đối phức tạp và bưng qua Gemini nó hơi ngoo và không hiểu. Nên đơn giản hơn là bạn ghi nó ngắn gọn vào phần giao vai trò luôn.
Ví dụ như: chuyên gia marketing đang lên một dự án [ABC] cho khách hàng X của ngành [Gì đó].
Chỉ ngắn gọn như vậy là ổn, chuyên gia marketing là vai trò; đang lên một dự án [ABC] cho khách hàng X của ngành [Gì đó] đây chính là bối cảnh.
Nâng cao hơn, bạn có thể đọc bài viết nghệ thuật viết prompt của mình để viết prompt cho Gemini nha. Nhưng nhớ: viết ngắn gọn thôi, đừng như mình dài dòng là nó không hiểu á.
Ngoài ra, bạn nên trò chuyện với Gemini, chỉ ra lỗi sai ở đâu và bắt nó viết lại, đừng nên vội tạo một đoạn chat mới để bắt nó trả lời lại từ đầu.
Đây cũng là một điểm đặc biệt khác so với ChatGPT á, mặc dù ChatGPT có nhưng nó không rõ về sự phát triển trong câu trả lời, chỉ một thời gian ngắn là nó sẽ trả lời lặp nội dung hoặc đi xa ngay.
Kỹ thuật hơn thì Gemini nó có ngữ cảnh nhớ rộng hơn phiên bản miễn phí tới vài chục ngàn từ, còn ChatGPT miễn phí thì chỉ đâu đó dưới 1000 từ là nó quên béng ời 🙂
Ví dụ về “gút” prompt và bad prompt
Ví dụ prompt tốt cho Google Gemini
- Prompt: “Viết dàn ý bài blog Google Gemini là gì?”
- Lý do tốt: Ngắn gọn, tập trung có định dạng “dàn ý” cho mục đích cụ thể là “bài blog” về một chủ đề cụ thể “Google Gemini là gì”.
- Prompt: “Viết một bản tóm tắt ngắn gọn về những lợi ích chính của việc sử dụng năng lượng mặt trời.”
- Lý do tốt: Prompt này rõ ràng, cụ thể và tập trung vào một chủ đề duy nhất, có yêu cầu về định dạng câu trả lời, nội dung cần trả lời cũng ngắn gọn, Gemini sẽ ít tạo ra thông tin sai lệch.
- Prompt: “Liệt kê năm chiến lược hiệu quả để cải thiện kỹ năng quản lý thời gian.”
- Lý do tốt: Prompt này đơn giản và yêu cầu một số lượng cụ thể các mục, giúp hướng dẫn AI tạo ra câu trả lời ngắn gọn và có tổ chức.
- Prompt: “Giải thích quá trình quang hợp bằng ngôn ngữ đơn giản cho học sinh trung học cơ sở.”
- Lý do tốt: Prompt này cung cấp ngữ cảnh bằng cách chỉ định đối tượng mục tiêu, cho phép Google Gemini điều chỉnh câu trả lời phù hợp với mức độ phức tạp thích hợp.
- Prompt: “So sánh và đối chiếu ưu điểm và nhược điểm của ô tô điện so với ô tô xăng.”
- Lý do tốt: Prompt này rõ ràng và cụ thể, yêu cầu so sánh giữa hai chủ đề riêng biệt, giúp Google Gemini tạo ra câu trả lời có cấu trúc và thông tin.
Ví dụ về prompt chưa tốt Google Gemini
Lưu ý nhé: đây là ví dụ chưa tốt không phải 100% là không tốt bạn nha, tức là có thể cải thiện một chút để cho nó tốt hơn:
- Prompt: “Hãy giúp tôi lên dàn ý bài viết cho blog của tôi về Google Gemini là gì?
- Lý do chưa ổn: không nhất thiết phải trò chuyện, có thể trực tiếp yêu cầu, có thể rút gọn câu lại để tránh Gemini hiểu sai ý của bạn.
- Prompt: “Nói cho tôi biết một điều gì đó.”
- Lý do chưa ổn: Prompt này mơ hồ và thiếu ngữ cảnh, khiến AI khó tạo ra câu trả lời liên quan và thông tin.
- Prompt: “Điều tốt nhất từ trước đến nay là gì?”
- Lý do chưa ổn: Prompt này chủ quan và mở, khiến AI gặp khó khăn trong việc cung cấp câu trả lời cụ thể và ý nghĩa.
- Prompt: “Viết một câu chuyện về một con mèo và một con chó.”
- Lý do chưa ổn: Prompt này quá rộng và thiếu chi tiết cụ thể hoặc ngữ cảnh, khiến AI khó tạo ra câu chuyện có liên kết và hấp dẫn.
- Prompt: “Bạn có thể giúp tôi với bài tập về nhà không?”
- Lý do chưa ổn: Prompt này không rõ ràng và không cung cấp thông tin về nhiệm vụ bài tập cụ thể, khiến AI khó cung cấp sự hỗ trợ liên quan.
- Prompt: “Tôi nên làm gì hôm nay?”
- Lý do chưa ổn: Prompt này mơ hồ và thiếu ngữ cảnh về sở thích, ưu tiên hoặc lịch trình của người dùng,… Bạn không biết làm gì thì sao AI biết 🙂Hmm cũng có thể nghĩ thoáng hơn là bạn đi tìm ý tưởng (chứ tui không nói là tui hỏi nó vậy hoài đâu).
Việc tiếp theo bạn cần làm chính là đăng nhập vào Gemini và thử ngay, bạn chỉ cần đăng nhập bằng tài khoản Google và sử dụng Gemini AI. Sau khi đăng nhập xong, bạn hãy thử ngay “quy tắc vàng” để nâng cấp kỹ năng prompt của mình nhé.
Ưu điểm và hạn chế của Google Gemini
Ưu điểm của Google Gemini
- Khả năng truy cập internet: Google Gemini cung cấp kết quả mới nhất và cập nhật bằng cách trích xuất thông tin từ web thông qua Google search, khiến nó có lợi cho mục đích nghiên cứu và thu thập thông tin.
- Hiểu ngôn ngữ tự nhiên: Google Gemini có thể hiểu các lệnh nhập thông qua văn bản hoặc giọng nói bằng ngôn ngữ tự nhiên và tạo ra cuộc trò chuyện giống như con người, khiến nó tương tự như các trợ lý ảo như Google Assistant hoặc Siri.
- Khả năng tạo nội dung đặc biệt: Đối với người dùng các sản phẩm của Google, khi sử dụng Gemini sẽ gần như tương thích một cách khá hoàn hảo để phục vụ cho công việc của họ.
- Khả năng nhớ khổng lồ: GPT-4o chỉ có 128k ngữ cảnh, Claude 3 có 200k ngữ cảnh còn Gemini Advanced có khả năng nhớ lên tới 1 triệu token! Tức là gần 1500 trang a4 toàn chữ!
Hạn chế của Google Gemini
- Thông tin thiên vị, không chính xác và mơ hồ: Một trong những nhược điểm lớn nhất của Google Gemini là phạm vi cung cấp thông tin thiên vị, không chính xác và mơ hồ.
- Vẫn trong giai đoạn phát triển: Google Gemini vẫn đang trong giai đoạn phát triển, điều này có nghĩa là nó có thể có một số hạn chế về hoạt động và có thể không hiệu quả trong việc xử lý tất cả các nhiệm vụ đến hoàn hảo. Cụ thể và trực quan không cần chứng minh gì thêm là chính cái tên người gửi email cho tui là: Gemini, một thử nghiệm AI ban đầu của Google… Ok… Họ vẫn có vẻ chưa chắc chắn về sản phẩm của mình nhưng phải tung ra rồi.
- Hạn chế về mặt sáng tạo: Mặc dù Gemini có khả năng viết sáng tạo, nó không thể tạo ra các bài viết dài, tiểu luận hoặc các tác phẩm chi tiết hư cấu như một câu chuyện hoàn chỉnh với lời văn phù hợp. Dĩ nhiên là vậy, bởi vì nó rất máy, con AI nào cũng tương tự thế thôi.
- Nội dung lặp lại và không sáng tạo: Mặc dù Gemini có thể tạo ra nội dung hữu ích, nội dung có thể bị lặp lại và không sáng tạo. Thử nghiệm của bản thân mình cho thấy những câu hỏi khó và những câu hỏi yêu cầu liệt kê quá nhiều sẽ khiến AI chatbot nói chung tạo ra câu trả lời sai và bị lặp lại câu trả lời.
Tóm lại là nó vẫn tệ ở những thứ mà các AI khác đều tệ, chẳng qua là truyền thông làm khá lố, dập con người ta tơi bời nên bạn cảm giác Gemini nó tệ. Thật ra, nó không tệ đến mức đó mà còn khá ổn á.
Nếu bạn muốn có cái nhìn trực diện hơn, tiếp theo mình sẽ so sánh tụi nó với nhau ngay dưới này.
Google Gemini vs ChatGPT vs Microsoft Copilot
Google Gemini, ChatGPT, và Microsoft Copilot đều là các chatbot AI được thiết kế để hỗ trợ người dùng trong các nhiệm vụ khác nhau. Mỗi chatbot có những ưu và nhược điểm của riêng, khiến chúng phù hợp cho các trường hợp sử dụng khác nhau.
Để tìm được công cụ nào phụ hợp nhất cho bạn hoặc công việc của bạn ngay lúc đó, chúng ta sẽ tìm hiểu về cả 3 chatbot AI đang dẫn đầu thị trường nhé.
Một số điểm chính về Google Gemini, ChatGPT và Microsoft Copilot
Google Gemini
- Dựa trên mô hình Gemini 1.0 mới nhất
- Có thể tải lên hình ảnh và nhận lệnh dưới dạng giọng nói
- Giỏi trong việc tìm kiếm thông tin chính xác và cập nhật theo thời gian thực
- Cung cấp khả năng tạo nội dung sáng tạo và dịch thuật ngôn ngữ
- trả phí sẽ có thể sử dụng mô hình Gemini 1.5 xịn hơn rất nhiều và ngữ cảnh nâng lên đến 1 triệu token và nhiều lợi ích khác như: Họp Google Meet không giới hạn, 2TB lưu trữ Drive, tích hợp trực tiếp vào Workspace của bạn,…
ChatGPT
- Sử dụng mô hình GPT-3.5 Turbo và GPT-4o của OpenAI
- Chatbot AI dựa trên văn bản tạo ra các câu trả lời mạch lạc và phù hợp với ngữ cảnh
- Giỏi trong việc phân tích dữ liệu và giải quyết vấn đề
- Yêu cầu đăng ký ChatGPT Plus để dùng nhiều mô hình hơn, có giá 20 đô la mỗi tháng. Bạn có thể tạo thêm hình ảnh, tạo botchat riêng và nhiều tính năng khác.
Microsoft Copilot
- Được tích hợp vào công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft và sử dụng công nghệ GPT-4
- Ít phức tạp hơn ChatGPT nhưng vẫn có thể trả lời câu hỏi và thực hiện các nhiệm vụ đơn giản
- Có thể tạo ra hình ảnh và truy xuất thông tin chính xác
- Miễn phí sử dụng phiên bản có giới hạn, khi nâng lên với giá 20$/ tháng sẽ nhận thêm quyền lợi truy cập không giới hạn, tăng số lượng ảnh lên 100 tấm/ ngày,..
Bảng so sánh
Bảng so sánh này dựa trên ý kiến cá nhân của mình và mình đánh giá thông qua việc sử dụng tất cả tụi nó trong gần 2 năm nay, vì thế, có khi nó sẽ khác với cách sử dụng và đánh giá của bạn nhé.
Tính năng | Google Gemini | ChatGPT | Microsoft Copilot |
Tổng lượng truy cập (1 tháng)* | Hơn 189 triệu | Hơn 1,5 tỷ | Hơn 1,2 tỷ** |
Ngày phát hành | 21 tháng 3 năm 2023 | 30 tháng 11 năm 2022 | 22 tháng 2 năm 2023 |
Mô hình sử dụng | Gemini 1.0 | GPT-3.5 turbo | GPT-4 |
Công dụng chính | Cung cấp thông tin tổng quát về vấn đề | Phân tích dữ liệu, giải quyết vấn đề | Trả lời câu hỏi và tìm kiếm |
Chi phí sử dụng | Free và Advanced 20$/tháng | Free và Plus 20$/tháng | Free và Pro 20$/tháng |
Thích hợp cho | Nhiệm vụ yêu cầu thông tin thực tế và cập nhật | Viết sáng tạo, suy luận quy nạp | Truy xuất thông tin, hình ảnh trên nền web |
*Số liệu trích từ Similarweb
**Trong đó, số lượng mình không chắc do có cả người tìm kiếm thông thường lẫn tìm kiếm khác 🙂và Bing Chat, Bing Image Creator cũng nằm trong trang chủ của Bing chứ không bị tách ra nên số này là tổng lượng truy cập của Bing…
Mục đích sử dụng
Mục đích sử dụng của mỗi công cụ AI khác nhau dựa trên sức mạnh và khả năng của chúng:
- Google Gemini được thiết kế để trả lời các câu hỏi logic, toán học và vấn đề lập trình một cách chính xác. Nó giỏi trong việc tìm kiếm thông tin chính xác và cập nhật theo thời gian thực.
- ChatGPT tạo ra các câu trả lời mạch lạc, liên quan đến ngữ cảnh, đơn giản hoá vấn đề. Nó phù hợp cho việc viết sáng tạo, suy luận, viết code và phân tích dữ liệu.
- Microsoft Copilot nhằm cung cấp thông tin bằng cách tận dụng cơ sở tri thức rộng lớn của công cụ tìm kiếm của nó. Nó tốt nhất để lấy thông tin từ trang web và tạo hình ảnh.
Mỗi công cụ có sức mạnh độc đáo của riêng mình, và công cụ phù hợp nhất phụ thuộc vào trường hợp sử dụng cụ thể của bạn. Túm lại là bạn vẫn nên thử xem cái nào phù hợp với mình và sử dụng nhé.
Còn đây là tóm tắt của mình về cách sử dụng chúng sao cho hiệu quả:
- Google Gemini: phù hợp với các tác vụ liên quan đến công việc, sáng tạo và mang tính ít phức tạp nhưng cần đối chiếu với tài liệu trên mạng.
- ChatGPT phù hợp với hầu hết mọi người, có khả năng suy luận và trả lời các câu hỏi phức tạp cao và dành cho công việc lẫn giải trí đều được.
- Microsoft Copilot: nó tốt nhất để lấy thông tin từ trang web và tạo hình ảnh miễn phí với chất lượng cao.
Tóm cái váy lại
Tóm lại, Google Gemini là một công cụ AI đa năng và mạnh mẽ có thể hỗ trợ người dùng trong nhiều nhiệm vụ khác nhau.Nó vẫn sẽ tiếp tục phát triển và cải tiến, các ứng dụng tiềm năng và khả năng của nó được dự kiến sẽ mở rộng, khiến nó trở nên xịn hơn nữa trong tương lai.
Dù gì, Google có thừa dữ liệu nhưng thiếu thời gian để phát triển thôi… Ờm mình cũng không biết nữa. Nhưng chắc chắn nó sẽ xịn hơn thôi, thay vì chỉ sử dụng ChatGPT, bạn có thể kết hợp với Gemini để check chéo câu trả lời cũng như tìm ra câu trả lời tốt nhất cho mình.
Nếu trong bài viết của mình có bất kỳ nội dung nào sai hoặc bạn muốn góp ý thêm, bạn hãy bình luận ở dưới để mình tiếp thu liền nha, cảm ơn bạn đã đọc một bài dài thế này.
FAQ về Google Gemini
Google Gemini được phát hành khi nào?
Google Bard (nay đổi tên thành Google Gemini) phát hành dưới dạng beta vào năm 2023.
Google Gemini có miễn phí không?
Hiện tại, Google Gemini miễn phí nhưng trong tương lai có thể vẫn miễn phí (và tích hợp quảng cáo ???)
Google Gemini tốt hơn ChatGPT ở điểm nào?
Google Gemini và ChatGPT đều là chatbot AI, nhưng có sự khác biệt quan trọng: Google Gemini trả lời xong, bạn có thể nhấn vào nút Xác minh câu trả lời, Google sẽ “vào cuộc” và kiểm tra chéo với các nội dung khác trên Internet giúp người dùng tìm kiếm câu trả lời một cách hiệu quả, chính xác hơn. Trong khi đó, ChatGPT sẽ trả lời hay hơn và thông dụng hơn với phần lớn người dùng, ChatGPT không thể truy cập internet 🙂
Làm thế nào để viết một lời nhắc tốt cho Google Gemini?
Để viết một lời nhắc tốt, hãy cụ thể, rõ ràng và ngắn gọn trong yêu cầu của bạn, theo chính Google, prompt trong khoản dưới 21 chữ sẽ có kết quả tốt nhất.
Sự khác biệt giữa Google Gemini và Microsoft Copilot là gì?
Google Gemini và Microsoft Copilot đều có khả năng truy cập vào internet. Trong đó, điểm khác biệt chính là Copilot dựa trên GPT-4 nên nhiều trường hợp sẽ có câu trả lời tốt hơn, còn Gemini sẽ hoạt động tốt với bộ Google Workspace hơn.
Google Gemini có thể viết code không?
Có. Nhưng có thể là chưa xịn bằng ChatGPT nhưng Google Gemini chắc chắn sẽ xịn hơn trong tương lai.